#cuocsong
Hôm nay là vừa tròn 3 năm từ ngày mình ở Đức.
Tuy vậy, đó không phải là lần đầu tiên mình đặt chân đến Đức. Mình tình cờ có một vài kết nối với nước Đức từ gần 10 năm trước, do đó những ngày đầu tiên trở lại Đức cách đây 3 năm, mọi thứ với mình không hẳn là "mới toanh". Tuy nhiên, ở thời điểm năm 2020, có một điều quan trọng và chưa từng có trong những lần đến Đức trước đây, đó là mình có ý định sẽ sống ở đây lâu dài. Điều này đã định hướng cho những việc mình làm trong 3 năm qua.
Thật sự, mình không thấy rằng 3 năm vừa rồi là hoàn toàn hào hứng và hạnh phúc, cũng như không có nỗi buồn nào quá lớn để không thể vượt qua. Mình thấy hài lòng với những gì đã xảy ra và biết ơn vì cuộc đời cho mình cơ hội được bình an, để mình được tự do với những điều mình thấy phù hợp với bản thân.
Nếu mình đã không đến Đức 3 năm trước, cuộc sống của mình bây giờ chắc chắn rất khác: không khác về khía cạnh công việc so với bây giờ, nhưng khác về đời sống cá nhân. Có thể mình khó tính khi nói rằng mình không thấy hạnh phúc mà chỉ thấy hài lòng với cuộc sống ở hiện tại. Hoặc có thể do cách nhìn của mình là không phù hợp, đáng ra mình phải thấy hạnh phúc hơn với những gì mình có bây giờ. Nhưng vì một điều gì đó, mà mình thậm chí không cảm thấy có nhu cầu phải được hạnh phúc hơn bây giờ để tìm kiếm xem là liệu mình có thể hạnh phúc hơn bằng một cách nào đó hay không. Mình thích sự yên ổn ở hiện tại và thích nhịp sống mà mình đang xây dựng.
Một, hai năm nữa, khi cuộc sống gia đình và công việc có sự thay đổi lớn, mình biết cuộc sống của mình sẽ rất khác. Mình thật sư chưa biết tất cả những thay đổi đó sẽ đưa mình đến đâu, chỉ biết rằng một trong số đó sẽ là điều khiến mình hạnh phúc chưa từng có và sẽ là kim chỉ nan mới cho giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. Mình nghĩ mình không mong gì hơn là có được một điều khiến mình hạnh phúc như thế và vì muốn giữ gìn hạnh phúc đó mà dám dấn thân.
Từ đây đến thời điểm đó, mình mong là mình sẽ vững vàng hơn về thể chất, tinh thần, trí tuệ và vật chất để sẵn sàng cho một cuộc sống mới.
-
Mình vừa gặp một phụ nữ Stockholm tại bữa ăn gala của một sự kiện. Các nhóm thường ngồi cùng nhau theo nơi mình đến, hoặc những người mình làm việc cùng. Nhóm làm việc của mình phân tán khắp nơi, còn nhóm từ Đức thì nói rất nhiều tiếng Đức nên mình đi tìm một chỗ để ngồi ăn, và đồng thời để gặp gỡ những người mới.
Sau vài lần quan sát và hỏi thì mình tìm được một ghế trống. Nhóm người đến từ Thụy Điển đón chào mình vui vẻ, một cô trong số đó cố gắng nói chuyện với mình. Cô nói rằng chiều hôm đó cô và mình cùng ngồi trong phòng về Mentorship. Cô nói rằng cô đang viêm họng nên không nói được nhiều.
Mình nói mình có nhớ cô và kéo ghế lại gần hơn để nói chuyện cho dễ.
Mình hỏi thăm cô có uống thuốc chưa, thì cô nói là cô đột ngột bị mất giọng ngày đến Pháp, nhưng đến hôm đó (khoảng 3 ngày sau) thì đã thấy đỡ nhiều. Cô sẽ để bệnh tự hết mà không dùng thuốc. Mình nói rằng mình cũng rất chia sẻ, vì mình cũng là người hạn chế dùng thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau-hạ sốt.
Cô có vẻ lấy làm lạ và hỏi mình tại sao. Mình nói là mình muốn tập chịu đựng nỗi đau cho đến khi không thể chịu nổi nữa thì mới dùng thuốc. Mình nghĩ là trong đời rồi sẽ có lúc mình bệnh, sẽ có những nỗi đau lớn hơn những lần bị cảm cúm, khi đó nếu cần phải dùng thuốc giảm đau, mình sẽ nhanh cảm thấy dễ chịu trở lại.
Ví dụ khi bị nhiễm Corona hồi năm ngoái, mình bị đau họng rất khó chịu. Đến khi không thể chịu nổi nữa, mình dùng 2 lần, mỗi lần nửa liều Paracetamol (250mg). Lúc đó mình đã cảm thấy hồi phục rất nhanh. Mình biết ít nhất hai người, khi đau đầu thường dùng tới 2 liều Paracetamol (1000 mg) một lần hoặc dùng Ibuprofen liên tục đến mức không cần nước vẫn có thể nuốt trôi được 2 viên thuốc.
Tất nhiên mỗi cơ thể mỗi khác, nỗi đau và mức độ chịu đựng cũng khác nhau. Việc tập chịu đựng nỗi đau đối với mình là điều quan trọng và mình thực hành dài lâu đến mức mình chẳng mảy may để ý cho đến khi được hỏi. Hôm nay viết những dòng ở trên, nghĩ lại, mình thấy có lẽ mình ngày càng trở nên cẩn trọng hơn với cảm giác và cảm xúc của mình.
Không biết có phải vì những trải nghiệm đã có không, mà mình bây giờ không để bản thân dễ hào hứng, dễ vui, dễ quên đi sự khó chịu. Mình một phần vừa dửng dưng với những điều tích cực vừa xảy ra và một phần tập cho mình làm quen với sự khó chịu. Mình nghĩ đó là kết quả của việc, khi môi trường sống càng có nhiều sự thay đổi, mình càng muốn có sự ổn định trong cảm xúc. Bây giờ, mình không tin ngay rằng những niềm vui đủ dài lâu để thật sự khiến mình vui. Mình cũng cho bản thân nhiều thời gian để nhìn vào những gì làm mình buồn mà từ tìm lại được cân bằng và sự bình thản.
Bài viết trước
Bài viết tiếp theo